Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/02/1947-20/02/2022)

Đăng lúc: 09:22:30 16/02/2022 (GMT+7)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân lao động, động viên mọi người, mọi nhà, mọi địa phương thực hành mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước. Với Thanh Hóa, một tỉnh “đất rộng, người nhiều, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động”, trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bốn lần. Trong những lần về thăm, Bác đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt. Bác luôn động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa làm hậu phương lớn vững chắc của cả nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và mong muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu. 

 TUYÊN TRUYỀN MĂNG NON

75 NĂM NGÀY BÁC HỒ LẦN ĐẦU TIÊN VỀ THĂM THANH HÓA

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân lao động, động viên mọi người, mọi nhà, mọi địa phương thực hành mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước. Với Thanh Hóa, một tỉnh “đất rộng, người nhiều, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động”, trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bốn lần. Trong những lần về thăm, Bác đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt. Bác luôn động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa làm hậu phương lớn vững chắc của cả nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và mong muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu. 

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được hai tháng, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến vô cùng bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa vào ngày 20/2/1947. Chuyến đi Thanh Hóa lần đầu tiên với tư cách người đứng đầu Chính phủ non trẻ được Bác chuẩn bị rất kỹ và đã được Người vạch sẵn lộ trình, các cuộc họp và gặp gỡ được bố trí ở những nơi kín đáo, xa nơi đô thị để đảm bảo bí mật. Bác đến Thanh Hóa khoảng 7 - 8 giờ sáng, ra đón Bác có các đồng chí Bùi Đạt - Bí thư Tỉnh ủy, Lê Chủ - Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, Đặng Việt Châu - đặc phái viên Chính phủ tại Thanh Hóa.

Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bác gặp gỡ các cán bộ và dự cuộc mít tinh của đại biểu các tầng lớp nhân dân. Nói chuyện với các cán bộ địa phương, Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cán bộ và nêu cụ thể những đức tính cần thiết của người cán bộ trong việc đối xử với bản thân, với đồng chí, với công việc, với nhân dân và với đoàn thể. Gặp gỡ đại biểu các tầng lớp nhân dân, Bác góp ý kiến cụ thể về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa để xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Khoảng 4 - 5 giờ chiều, Bác cùng lãnh đạo tỉnh đến địa điểm nơi có hòn đá nguyên thủy tại Rừng Thông huyện Đông Sơn, Bác gặp gỡ và nói chuyện thân mật với cán bộ hành chính, mặt trận các huyện, châu và các thân hào, thân sĩ, trí thức, đại biểu dân tộc, tôn giáo của tỉnh. Bác động viên cổ vũ nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến thành công.

Trong lần về thăm, làm việc lần đầu tiên với Thanh Hóa, Bác có 2 bài nói chuyện quan trọng. Đó là những văn kiện lịch sử, thể hiện đường lối kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, tích cực tham gia sản xuất, đóng góp nhiều của, nhiều người cho kháng chiến.

Đặc biệt, tại lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Bác đã nhấn mạnh đến việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Theo đó, qua các buổi nói chuyện, Bác bày tỏ mong ước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh kiểu mẫu. “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.

Bác cũng chỉ rõ xây dựng tỉnh “kiểu mẫu” trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước tiên: Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu… Trước lúc chia tay, Bác nhắn gửi tha thiết tới đồng bào với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người “kiểu mẫu”.

Những lời chỉ bảo sâu sắc, mang tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu đã soi đường, chỉ lối để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thanh Hóa thực hiện tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng thành hậu phương lớn vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những lần thăm Thanh Hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời để người dân Thanh Hóa quyết tâm chiến đấu, lao động, hết lòng vì lý tưởng độc lập cho dân tộc. Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tiềm lực lớn về nhiều mặt: đất rộng, người đông, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động, có thế mạnh phát triển kinh tế biển, đồng bằng và rừng núi, là tiền đề để Thanh Hóa huy động nguồn nhân lực, vật lực tối đa cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thanh Hóa lại trở thành hậu phương lớn cho chiến trường Miền Nam. Cây cầu Hàm Rồng đã trở thành huyền thoại, là biểu tượng chiến thắng của nhân dân cả nước trong kháng chiến chống Mỹ. Những chiến công vang dội của quân và dân Thanh Hóa mà đại diện là những cái tên như Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, các dũng sĩ làng Yên Vực... làm nức lòng quân dân cả nước. Những thành tích xuất sắc của các cá nhân và tập thể trong chiến đấu và lao động sản xuất được Bác Hồ quan tâm và gửi thư khen tặng. Bác luôn căn dặn cán bộ phải làm trọn vai trò “người đày tớ của nhân dân”: phụng sự nhân dân, gần dân, hiểu dân, làm cho dân tin, dân yêu. Đảng bộ, quân dân Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, phát động rộng khắp các phong trào thi đua lao động sản xuất, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Nhiều công trình thủy lợi, hồ đập, cầu cống, đường giao thông, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp; các trường chuyên nghiệp, các trường mầm non, phổ thông; các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện... được đầu tư xây dựng, đã làm biến đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đáp lại tình cảm sâu nặng, nghĩa tình của Người; Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh luôn ghi lòng, tạc dạ, quyết tâm phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Người bằng những  hành động cụ thể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội. Trong bất kì hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa cũng phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng vững chắc kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.



Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đạt kết quả toàn diện, có 26/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2020 gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm dự kiến đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 dự kiến đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015.

Xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị đạt kết quả tích cực, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh. Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật: Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân được tăng cường…

Thực hiện lời dạy của Bác, tự hào với truyền thống 90 năm, tuổi trẻ “đất Lam Sơn” đoàn kết sáng tạo, xung kích tình nguyện thi đua, góp sức trẻ cùng toàn Đảng bộ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của Đảng, phát huy mạnh mẽ sức trẻ trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương Hà Trung, trong suốt chiều dài lịch sử gần 30 thành lập, đội ngũ giáo viên, học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Nhân dân giao phó. Nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo của trường đã tận tâm, tận tụy cống hiến hết mình để truyền thụ tri thức, nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học sinh bay cao, bay xa, ngày đêm cống hiến sức trẻ, tri thức của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những kết quả nổi bật đó, trường đã được công nhận trường đạt Chuẩn quốc gia; được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2020, 2021 được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.

“Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn”. Vâng lời Bác, chúng con sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để là những con người có đạo đức tốt, có nhân cách cao đẹp. Đồng thời, không ngừng nỗ lực để nâng cao tri thức, hiểu biết, trí tuệ nhằm đem tài năng của mình phục vụ cho Tổ quốc, phấn đấu để trở thành con người toàn diện, vừa có đức, vừa có tài xây dựng nước Việt Nam hùng cường để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời Bác hằng căn dặn.

 








Ý kiến thăm dò